Mổ u nang buồng trứng là phương pháp điều trị được chỉ định khi u nang có kích thước lớn, phát triển phức tạp hoặc có khả năng gây biến chứng cho người bệnh. Vậy mổ u nang buồng trứng có nguy hiểm không? Bạn cần chuẩn bị những gì cho cuộc phẫu thuật?
Contents
Các phương pháp phẫu thuật u nang buồng trứng
Có 2 loại phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ u nang buồng trứng, bao gồm:
- Mổ nội soi u nang buồng trứng
- Phẫu thuật mở bụng (mổ hở u nang buồng trứng)
Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân.
Mổ nội soi u nang buồng trứng
Hầu hết các khối u nang đều có thể được loại bỏ bằng phương pháp mổ nội soi. Với phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa vào cơ thể người bệnh ống nội soi có gắn đèn và camera để quan sát buồng trứng. Sau đó, họ sẽ rạch các vết cắt rất nhỏ trên da (chỉ bằng khuyết áo) và loại bỏ u nang qua các vết cắt này.
Mổ nội soi là phương pháp có độ an toàn cao, ít gây đau và có thời gian hồi phục nhanh chóng.
Mổ hở u nang buồng trứng
Trường hợp không thể can thiệp bằng phẫu thuật nội soi như khối u lớn, nằm ở vị trí bị che khuất hoặc có liên quan đến ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mở bụng (mổ hở).
Khi đó, bác sĩ sẽ cắt một vết cắt lớn ở ổ bụng người bệnh để tiếp cận với khối u tốt hơn. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn chỉ loại bỏ u nang hoặc cắt bỏ cả buồng trứng.
Người bệnh sẽ cần nằm viện vài ngày sau mổ để theo dõi. Phương pháp mổ hở có nhiều rủi ro và thời gian hồi phục lâu hơn mổ nội soi.
Mổ u nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Bất kỳ hình thức phẫu thuật nào cũng đều tiềm ẩn ít nhiều rủi ro. Các rủi ro trong và sau mổ u nang buồng trứng bao gồm:
- U nang buồng trứng tái phát sau khi loại bỏ
- Cơn đau kéo dài và khó kiểm soát
- Hình thành mô sẹo tại vị trí phẫu thuật, trên buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc trong khung chậu.
- Nhiễm trùng sau mổ
- Tổn thương ruột hoặc bàng quang
Bên cạnh đó, phương pháp gây mê được sử dụng trong quá trình mổ cũng có thể khiến người bệnh gặp phải các tác dụng phụ, dị ứng, thậm chí là sốc phản vệ.
Những lưu ý trước, trong và sau khi mổ u nang buồng trứng
Dưới đây là một số lưu ý bạn cần nắm để quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn và hạn chế tối đa biến chứng:
Trước khi phẫu thuật
- Bạn có thể được yêu cầu ngừng dùng aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve, Naprosyn), Clopidogrel (Plavix), warfarin (Coumadin) và các chất làm loãng máu khác.
- Nếu bạn vẫn cần dùng các loại thuốc điều trị bệnh khác. Bạn hãy hỏi bác sĩ loại thuốc nào có thể sử dụng, loại thuốc nào không.
- Nếu bạn mắc chứng rối loạn chảy máu hoặc các vấn đề sức khỏe khác có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật, hãy trao đổi kĩ càng với bác sĩ.
- Bạn sẽ được lấy mẫu máu trong trường hợp bạn cần truyền máu.
- Không hút thuốc. Điều này sẽ giúp bạn phục hồi nhanh hơn.
Vào ngày phẫu thuật
- Vào đêm trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được dặn ngừng ăn uống từ lúc nửa đêm.
- Trường hợp được phép uống thuốc, hãy chỉ uống các loại thuốc chỉ định với một vài ngụm nước nhỏ.
- Bác sĩ hoặc y tá sẽ thông báo cụ thể thời gian tiến hành phẫu thuật cho bạn.
Sau khi phẫu thuật
- Trong 24 – 48 giờ sau phẫu thuật, bạn có thể cảm thấy đau nhức xung quanh vết mổ. Tình trạng này sẽ thuyên giảm vào những ngày sau đó.
- Trường hợp u nang có liên quan đến ung thư hoặc các bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để xem bạn có cần điều trị thêm hay không.
Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau trong quá trình hồi phục:
- Chảy máu nhiều
- Vùng bụng đau dữ dội hoặc sưng
- Sốt cao
- Tiết dịch âm đạo sẫm màu hoặc có mùi.
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Trên thực tế, không phải trường hợp nào u nang buồng trứng cũng cần can thiệp phẫu thuật. Đa số các u nang buồng trứng đều là u nang cơ năng, lành tính, có thể tự biến mất. Tuy nhiên, nếu trường hợp u nang của bạn được chỉ định mổ, hãy nắm kĩ những lưu ý trên cũng như cách chăm sóc sau mổ u nang buồng trứng để nhanh chóng hồi phục nhé.