Bệnh buồng trứng đa nang (PCOS) là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ khó mang thai. Đó là khi hormone ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản. Buồng trứng của bạn lớn hơn bình thường và chúng có thể chứa nhiều nang nhỏ với trứng chưa trưởng thành. Vậy hội chứng buồng trứng đa nang sinh sản như thế nào, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Contents
- Các thay đổi hormone ở phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang
- Hiện tượng rụng trứng bất thường
- Biểu hiện của phụ nữ mắc bệnh đa nang buồng trứng
- Tiêu chuẩn chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang
- Cách giảm ảnh hưởng của buồng trứng đa nang sinh sản: Thuốc hỗ trợ mang thai
- Điều chỉnh kinh nguyệt của bạn
- Điều trị bệnh buồng trứng đa nang: Thay đổi lối sống
- Lời kết
Các thay đổi hormone ở phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang khiến cơ thể phụ nữ tạo ra lượng nội tiết tố androgen cao hơn bình thường. Androgen thường được coi là hormone nam giới vì cánh mày râu có nồng độ này cao hơn nhiều so với nữ. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các cơ quan sinh dục nam và các đặc điểm nam giới khác.
Ở phụ nữ, hormone androgen thường được chuyển đổi thành hormone estrogen.
Sự thay đổi trong nồng độ androgen trong cơ thể phụ nữ có thể xuất phát từ sự rối loạn sản xuất gonadotropin (GnRH) – một loại hormone của vùng hạ đồi. Nó gây rối loạn hormone tuyến yên, tác động đến buồng trứng, làm tăng androgen dẫn đến hàng loạt các rối loạn khác.
Nồng độ androgen tăng cũng có thể đến từ hiện tượng kháng insulin. Đây là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường huyết, làm tăng insulin. Nó tác động đến tuyến thượng thận, gan, buồng trứng, tuyến yên, lipid máu. Hệ quả là làm tăng androgen, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn mỡ máu, béo phì.
Hiện tượng rụng trứng bất thường
Nồng độ hormone androgen cao sẽ cản trở sự phát triển của trứng và quá trình phóng thích chúng từ buồng trứng. Khi trứng không rụng hoặc rụng nhưng không được thụ tinh bởi tinh trùng thì bạn không mang thai được.
Bệnh buồng trứng đa nang có thể khiến bạn bị trễ kinh hoặc có chu kỳ kinh nguyệt không ổn định. Điều này cũng sẽ gây khó khăn cho việc cố gắng thụ thai. Đây có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của hội chứng này.
Biểu hiện của phụ nữ mắc bệnh đa nang buồng trứng

Các triệu chứng thường sẽ biểu hiện rõ rệt vào cuối tuổi thiếu niên (khoảng 17 hay 18) hoặc đầu tuổi 20. Bạn có thể có hầu hết hoặc chỉ một vài các triệu chứng sau:
1 – Rối loạn phóng noãn (rối loạn kinh nguyệt)
- Kinh thưa (chu kỳ trên 35 ngày) hoặc hoàn toàn không có kinh
- Ra máu bất thường
- Khó có thai (vì rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng)
- Sẩy thai
2 – Cường androgen
- Rậm lông – thường ở mặt, ngực, lưng hoặc mông
- Tóc mỏng yếu và rụng tóc (hói đầu)
- Da dầu hoặc mụn trứng cá
- Xét nghiệm máu tăng nồng độ androgen
3 – Có hình ảnh buồng trứng đa nang khi siêu âm
4 – Bị béo phì, kháng insulin, hội chứng chuyển hóa
Bạn nên trao đổi với bác sĩ đa khoa nếu có bất kỳ triệu chứng nào tương tự và nghi hoặc bạn có thể bị bệnh buồng trứng đa nang.
Tiêu chuẩn chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang
Nếu có 2 trong 3 triệu chứng sau đây thì có thể xác lập chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang:
- Rối loạn phóng noãn hoặc không phóng noãn
- Cường androgen
- Siêu âm có hình ảnh buồng trứng đa nang
Cách giảm ảnh hưởng của buồng trứng đa nang sinh sản: Thuốc hỗ trợ mang thai

“Bị đa nang buồng trứng có thai được không?” có lẽ là câu hỏi nhiều chị em thắc mắc khi phát hiện mình bị căn bệnh này. Câu trả lời là có thể. Đa nang buồng trứng là một dạng rối loạn có thể điều chỉnh bằng thuốc.
Một nghiên cứu y cho thấy gần 80% bệnh nhân dùng thuốc clomiphene citrate đã rụng trứng thành công. Trong số này, sau đó, một nửa số phụ nữ có thai tự nhiên trong vòng 6 chu kỳ kinh nguyệt.
Các loại thuốc đều có những rủi ro nhất định, những làm tăng khả năng mang đa thai. Chúng cũng có thể gây ra hiện tượng quá kích buồng trứng. Đây là khi buồng trứng tiết ra quá nhiều hormone, dẫn đến ổ bụng đầy dịch, đau vùng chậu, v.v.
Trường hợp thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với cơ hội mang thai khoảng 20-40%. Phụ nữ tuổi 35 trở lên hoặc bị thừa cân có khả năng mang thai thấp hơn.
Bạn muốn có thai, gặp bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn là lựa chọn tốt nhất. Họ sẽ giúp bạn xác định được liều lượng thuốc phù hợp, hỗ trợ giải quyết vấn đề bạn gặp phải cũng như lên lịch kiểm tra và siêu âm thường xuyên để theo dõi tình trạng của bạn.
Điều chỉnh kinh nguyệt của bạn
Bác sĩ có thể kê thuốc tránh thai chứa hormone estrogen và progestin. Loại thuốc này sẽ giảm nồng độ androgen được sản xuất. Từ đó giúp chu kỳ kinh nguyệt đi vào ổn định hơn.
Nếu cơ thể không thể dung nạp thuốc tránh thai kết hợp như trên, bác sĩ có thể đề nghị loại thuốc tránh thai chỉ có progestin. Bạn uống thuốc này khoảng 2 tuần/tháng trong vài tháng.
Ngoài ra, để điều trị cường androgen, bạn nên đến thăm khám tại chuyên khoa da liễu. Trường hợp bị hội chứng chuyển hóa, bạn nên đến khám tại chuyên khoa nội.
Điều trị bệnh buồng trứng đa nang: Thay đổi lối sống

Béo phì/thừa cân quá mức có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ. Vì vậy, việc giảm mỡ là rất cần thiết để đưa hormone của bạn trở lại mức bình thường. Nó cũng giúp dự đoán chu kỳ kinh nguyệt của bạn dễ dàng hơn.
Một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống dinh dưỡng, đủ chất kết hợp thể dục thường xuyên, không hút thuốc, kiểm soát căng thẳng, kiểm soát bệnh tiểu đường cùng các tình trạng bệnh khác sẽ cải thiện khả năng sinh sản của bạn.
Lời kết
Nhìn chung, nếu bạn mắc hội chứng buồng trứng đa nang và muốn có con, bạn cần duy trì cân nặng phù hợp, cân bằng đường huyết và điều chỉnh các dấu hiệu khác của đa nang buồng trứng với lối sinh hoạt lành mạnh kèm thuốc thang hợp lý. Cơ hội mang thai khá khả quan nên bạn không phải quá lo lắng đâu nhé.