Khoảng 20% phụ nữ sẽ gặp tình trạng dính buồng tử cung sau nạo hút thai. Phần lớn phụ nữ bị dính buồng tử cung sau hút thai sẽ rất khó có thai hoặc mang thai nếu không được điều trị, can thiệp kịp thời.
Contents
1. Nạo hút thai là gì?
Hút thai là phương pháp sử dụng ống hút và bơm chân không để hút thai ra khỏi cơ thể mẹ đối với thai nhi nhỏ hơn 12 tuần tuổi. Giai đoạn hút thai an toàn và ít để lại biến chứng nhất là từ 4 đến 8 tuần. Tuy nhiên, với thai nhi có tuần tuổi lớn hơn và không áp dụng được phương pháp hút thai thì phải nạo thai. Phương pháp nạo thai sử dụng dụng cụ kim loại có dạng như chiếc thìa để lấy thai ra ngoài. Phương pháp nạo thai thường kết hợp với nong thai bằng dụng cụ hoặc đồ gắp thai.
Nạo hút thai là một thủ thuật an toàn nếu được thực hiện ở các cơ sở y tế đảm bảo, tuy nhiên như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, nạo hút thai cũng có những rủi ro nhất định. Một số hậu quả hút thai gồm: thủng tử cung, nhiễm trùng tử cung, chảy máu tử cung, dính buồng tử cung hay còn gọi là còn được gọi là hội chứng Asherman,…
2. Vì sao dễ bị dính buồng tử cung sau hút thai?
Dính buồng tử cung hay còn gọi là hội chứng Asherman là một hội chứng mắc phải (không phải do di truyền) liên quan đến việc các chất kết dính (adhesions) hoặc dải mô sẹo (bands of scar tissue) hình thành trong tử cung khiến thành tử cung dính vào nhau, do đó làm giảm kích thước tử cung và gây khó khăn cho lần thụ thai tiếp theo. Dính buồng tử cung thường gặp ở những người nạo thai nhiều lần.
Vậy vì sao lại có hiện tượng dính buồng tử cung sau nạo hút thai? Như chúng ta đã biết, cấu tạo tử cung ở phụ nữ gồm 3 lớp theo thứ tự từ ngoài vào là lớp màng tử cung, lớp cơ tử cung và lớp niêm mạc. Trong đó, lớp niêm mạc ở trong cùng được hình thành từ hai lớp là lớp chức năng nằm phía trên và lớp đáy nằm phía dưới. Vào mỗi chu kì kinh nguyệt của chị em, lớp chức năng nằm trên sẽ bong ra và được thải ra ngoài ở dạng máu kinh. Ở thời điểm này, lớp đáy sẽ tái tạo lại lớp nội mạc chức năng đã bong ra. Hội chứng Asherman hay dính buồng tử cung có liên quan trực tiếp đến hai lớp nội mạc này. Việc can thiệp vào buồng tử cung như nạo, hút thai có các rủi ro khiến tử cung tổn thương, thủng hoặc nhiễm trùng dẫn đến việc hình thành các mô sẹo (chất kết dính) trong tử cung, đây là nguyên nhân dẫn đến dính buồng tử cung.
3. Dấu hiệu nhận biết dính buồng tử cung?
Các triệu chứng thường gặp của dính buồng tử cung là:
- Có kinh rất ít (thiểu kinh).
- Không có kinh (vô kinh).
- Bị chuột rút hoặc đau dữ dội.
- Không thể có thai hoặc mang thai.
Tuy nhiên, một số phụ nữ không có triệu chứng và vẫn có kinh nguyệt bình thường.
4. Dính buồng tử cung: Nguyên nhân gây vô sinh nữ
Dính buồng tử cung không xảy ra ngay tức thì mà tiến triển từ từ, đa phần bệnh nhân không thấy biểu hiện của dính buồng tử cung ngoài việc kinh ít hoặc vô kinh. Việc phát hiện muộn, dính buồng tử cung ở mức độ nặng có thể đem lại nhiều tác hại khôn lường.
Một trong những tác hại nghiêm trọng đó là gây vô sinh. Bởi theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết, phụ nữ bị dính buồng tử cung sau khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn thì hiện tượng thụ thai vẫn diễn ra. Tuy nhiên, khi thai về ổ lại không thể bám vào tử cung do không còn lớp đáy để tạo lớp chức năng, niêm mạc tử cung không thể dày lên nên dẫn đến sảy thai sớm. Tình trạng sảy thai xảy ra liên tiếp nhiều lần thì có thể dẫn tới vô sinh.
Bên cạnh đó, khi buồng tử cung bị dính, mất đi độ đàn hồi tự nhiên nên sẽ không thể đáp ứng được sự phát triển của thai nhi và dẫn tới việc thai phụ sẽ sinh non.
Sau khi sinh, thai phụ có thể bị chảy máu ồ ạt, nguyên nhân là do nhau thai bám quá chặt vào tử cung nơi không có niêm mạc, khi sinh nở, phần tử cung sẽ bị tổn thương nặng nề dẫn tới tình trạng chảy máu nhiều.
5. Dính buồng tử cung có thể phòng ngừa và điều trị không?
5.1. Điều trị dính buồng tử cung
Mặc dù là nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp sảy thai, tuy nhiên bệnh dính buồng tử cung hoàn toàn có thể điều trị được. Phương pháp áp dụng là phẫu thuật, tách phần tử cung bị dính để tái tạo lại buồng tử cung và kết hợp dùng thuốc.
Thời gian và hiệu quả điều trị dính buồng tử cung tùy thuộc vào mức độ tổn thương của niêm mạc tử cung, diện tích dính và tình trạng của người bệnh. Tổn thương tử cung càng nhỏ, diện tích dính thấp thì việc tách dính tử cung và phục hồi sau phẫu thuật sẽ càng nhanh chóng, dễ dàng.
Khả năng gỡ dính thành công và có thai lại sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của nội mạc tử cung. Một nghiên cứu cho thấy trung bình khả năng có thai lại lên đến 80% nếu dính nhẹ và 30% nếu dính tử cung nặng.
Trong trường hợp dính tử cung do cơ học (sau khi hút thai), bác sĩ sẽ phải đặt dụng cụ tử cung để tách ra, kết hợp dùng thuốc nội tiết để kích thích niêm mạc mọc dày lại.
Đối với những trường hợp khác, nếu nguyên nhân xuất phát từ viêm nhiễm hay lao sinh dục, người bệnh sẽ phải đảm bảo nguyên tắc chữa các bệnh này triệt để trước, sau đó mới dùng các biện pháp tách tử cung ra.
5.2. Phòng ngừa dính buồng tử cung
Dính buồng tử cung có thể khiến chị em khó có con, vô sinh, hiếm muộn, dễ sảy thai, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản. Do đó, chị em cần biết các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ dính buồng tử cung, đặc biệt là sau sảy hoặc nạo phá thai:
- Nữ giới nên hạn chế việc nạo, phá thai. Nếu phải tiến hành, bạn nên đến các cơ sở y tế an toàn để thực hiện thủ thuật. Để phòng tránh dính tử cung sau nạo hút thai, bác sĩ thường đặt vòng chống dính cho bệnh nhân. Đồng thời, chị em cũng cần uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm.
- Chú ý vệ sinh vùng kín hàng ngày đúng cách để tránh viêm nhiễm, giảm nguy cơ viêm tử cung gây dính.
- Khi thấy những dấu hiệu dính buồng tử cung, người bệnh nên chủ động tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra, xác định nguyên nhân để có hướng xử trí kịp thời. Tránh để bệnh kéo dài, gây khó khăn cho việc điều trị sau này, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng dính buồng tử cung khó lường như gây vô sinh.