tìm kiếm:

Trang chủ / / Bài viết

Những điều quan trọng về sức khỏe phụ nữ cần lưu tâm

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on tumblr
Share on reddit
Share on pinterest

Để sống khỏe mạnh và xinh đẹp, chị em cần nắm rõ những kiến thức liên quan đến sức khỏe phụ nữ, không chỉ về cơ quan sinh sản mà còn về tất cả các khía cạnh khác của cơ thể.

Cả nam giới và nữ giới đều có nhiều vấn đề sức khỏe chung. Tuy nhiên, phụ nữ sẽ có một số vấn đề riêng cần quan tâm đặc biệt. Dưới đây là 6 điều quan trọng mà mọi chị em đều cần lưu ý để chăm sóc tốt cho bản thân.

1. Phụ nữ và đàn ông không chỉ khác nhau ở cơ quan sinh dục

Cấu tạo cơ quan sinh dục không chỉ là điểm khác biệt duy nhất ở phụ nữ và đàn ông. Đặc điểm giải phẫu cơ thể nữ giới còn có những nét riêng biệt rất đặc trưng ở nhiều cơ quan, bộ phận khác của cơ thể. Nắm được những sự khác biệt này giúp phụ nữ chủ động trong việc phòng ngừa và phát hiện bệnh.

Chẳng hạn, đối với hệ cơ xương khớp, phụ nữ có trọng tâm thấp hơn, khối lượng cơ ít hơn, xương ít đặc hơn và tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao hơn nam giới. Do xương ít đặc hơn, chị em sẽ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn phái mạnh. Vì vậy, bạn cần thay đổi khẩu phần ăn phù hợp, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, bổ sung canxi, vitamin D để giúp hệ cơ xương luôn chắc khỏe.

2. Phụ nữ cần hiểu rõ về cơ quan sinh sản của mình

Phụ nữ cần hiểu rõ về cơ quan sinh sản của mình
Phụ nữ cần hiểu rõ về cơ quan sinh sản của mình

Không ít chị em vẫn còn mù mờ khi đề cập đến cấu tạo và chức năng của cơ quan sinh sản nữ. Thậm chí, nhiều người còn nhầm lẫn hai khái niệm âm hộ và âm đạo, hoặc cho rằng cơ quan sinh sản nữ chỉ gồm bộ phận sinh dục ngoài.

Trên thực tế, cơ quan sinh sản của phụ nữ bao gồm các bộ phận bên trong và bên ngoài cơ thể. Bộ phận sinh dục nữ bên ngoài là những bộ phận có thể quan sát bằng mắt thường hoặc sờ được bằng tay, gồm mu, âm hộ, âm vật, môi lớn, môi bé, tuyến bartholin.

Ngược lại, các bộ phận sinh dục nữ bên trong lại nằm sâu bên trong khung chậu và đa số đều không thể quan sát bằng mắt thường. Chúng bao gồm âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng.

Do cấu trúc phức tạp của hệ thống sinh dục nữ, cũng như sự thiếu hiểu biết về cách vệ sinh, chăm sóc mà nhiều chị em gặp phải các vấn đề phụ khoa. Một số bệnh phụ khoa phổ biến ở nữ giới bao gồm:

  • Viêm âm đạo
  • U xơ tử cung
  • U nang buồng trứng
  • Bệnh viêm cổ tử cung
  • Viêm lộ tuyến cổ tử cung
  • Viêm nội mạc tử cung
  • Buồng trứng đa nang
  • Viêm vùng chậu

Để tránh mắc bệnh lý này và nâng cao sức khỏe sinh sản, chị em cần lưu tâm hơn đến những cách chăm sóc và phòng ngừa phù hợp.

3. Nội tiết tố đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe phụ nữ

Phái đẹp cần quan tâm đến hoạt động của các nội tiết tố trong cơ thể. Đặc biệt là hormone sinh dục estrogen và testosterone. Các hormone sinh dục do buồng trứng sản xuất không chỉ tham gia vào quá trình tăng trưởng, duy trì và sửa chữa các mô sinh sản mà còn ảnh hưởng đến các mô khác của cơ thể.

Nếu bạn gặp phải các vấn đề làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất các hormone này, bạn có thể bị ngừng kinh, loãng xương, gãy xương và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Ngoài ra, hoạt động bất thường ở các tuyến nội tiết khác (như tuyến giáp) cũng có xu hướng tác động đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.

4. Phụ nữ có nguy cơ mắc một số bệnh cao hơn nam giới

Nhiều vấn đề sức khỏe phổ biến ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, một số tình trạng có thể phổ biến hơn ở phụ nữ hoặc tác động đến phụ nữ khác với nam giới. Bao gồm:

  • Bệnh tim: Phụ nữ có nhiều khả năng tử vong sau cơn đau tim hơn nam giới.
  • Đột quỵ: Phụ nữ có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ hơn nam giới (như mang thai, sử dụng các phương pháp kiểm soát sinh sản, liệu pháp thay thế hormone…)
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn. Do đó vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào bên trong hơn
  • Các rối loạn tự miễn dịch: Bao gồm bệnh đa xơ cứng, hội chứng Sjögren, bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp…
  • Các vấn đề về xương khớp như loãng xương, viêm xương khớp
  • Trầm cảm: Từ 14 đến 25 tuổi, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp đôi so với nam giới.
  • Một số bệnh ung thư: Bao gồm cả ung thư phụ khoa (cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, âm đạo, âm hộ) và các dạng ung thư khác (ung thư vú, tuyến tụy, đại trực tràng, phổi)

5. Sức khỏe phụ nữ và các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt

Sức khỏe phụ nữ và các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt
Sức khỏe phụ nữ và các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt là một phần quan trọng trong sức khỏe phụ nữ. Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi người khác nhau, dao động từ 21 – 35 ngày. Mỗi chu kỳ hàng tháng có thể được chia thành 4 giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn hành kinh
  • Nang trứng (trứng phát triển)
  • Giai đoạn rụng trứng
  • Hoàng thể (niêm mạc tử cung sẵn sàng để nhận trứng thụ tinh).

Nếu trứng không được thụ tinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra để bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt mới.

Nhiều phụ nữ gặp phải các rối loạn trong chu kỳ kinh nguyệt của mình.

Chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngừng lại khi bạn đến tuổi mãn kinh. Đa số phụ nữ sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh ở tuổi 40. Ở giai đoạn này, bạn có thể gặp phải những dấu hiệu phổ biến. Điển hình như tính tình nóng nảy, tăng cân, teo khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục…

Hoạt động của chu kỳ kinh nguyệt liên quan đến khả năng mang thai và sinh con của nữ giới. Nếu hoạt động này thường xuyên bị rối loạn, bạn sẽ khó thụ thai. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ.

6. Sẵn sàng đón nhận “thiên chức làm mẹ”

Sẵn sàng đón nhận “thiên chức làm mẹ”
Sẵn sàng đón nhận “thiên chức làm mẹ”

Mang thai, sinh nở là là thiên chức thiêng liêng của phụ nữ. Để quá trình này diễn ra thuận lợi, phái đẹp cần lên kế hoạch cụ thể trước khi mang thai. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ điều kiện để chuyển dạ, sinh con và chăm sóc bé.

Ví dụ, nếu bạn có ý định mang thai, bạn cần hiểu rõ:

  • Thai nhi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu người mẹ mắc một số vấn đề sức khỏe. Chẳng hạn như trầm cảm, động kinh, bệnh tuyến giáp, hen suyễn, lupus…
  • Không hút thuốc, không uống rượu khi mang thai để giảm nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu.
  • Khi điều trị một bệnh, thai phụ cần biết thuốc có gây ảnh hưởng đến thai nhi hay không.
  • Khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của bào thai.

Bạn chưa sẵn sàng làm mẹ, hãy sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục. Lưu ý rằng không có biện pháp tránh thai nào hiệu quả 100%. Cũng như chỉ có một vài thuốc có tác dụng ngăn bệnh lây qua đường tình dục. Do đó, bạn nên xem xét kỹ để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với mình.

Hy vọng, bạn đã có kiến thức đầy đủ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe phụ nữ. Bạn có thể thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh hơn. Điều đó giúp bạn có thể bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình.