tìm kiếm:

Những hệ lụy để lại khi quan hệ tình dục không an toàn

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on tumblr
Share on reddit
Share on pinterest

Quan hệ tình dục không an toàn có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe phụ nữ, tăng khả năng mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Cụ thể quan hệ tình dục không an toàn là sao và phòng ngừa bằng cách nào?

Quan hệ tình dục không an toàn là gì?

quan-he-tinh-duc-khong-an-toan-2

Quan hệ tình dục không an toàn là kiểu quan hệ trái ngược lại với tình dục an toàn. Nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc khiến người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn là rất cao. Điều này sẽ xảy ra khi các cặp đôi quan hệ bằng đường sinh dục, đường miệng hoặc hậu môn mà không sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, trước đây, căn bệnh “thế kỷ” HIV/AIDS ở Việt Nam chủ yếu lây qua đường máu do người bình thường sử dụng chung kim tiêm không an toàn với người nghiện ma túy. Thế nhưng, trong những năm gần đây số người nhiễm HIV vì quan hệ tình dục không an toàn chiếm số đông, đặc biệt ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam.

Lý do bởi quan hệ tình dục ở nhóm đồng giới nam chủ yếu là đường hậu môn, niêm mạc hậu môn mỏng, cộng với niêm mạc trực tràng có nhiều mao mạch nên dễ bị tổn thương và chảy máu. Thông qua vết thương, virus HIV sẽ xâm nhập từ người nhiễm HIV sang người chưa nhiễm HIV. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh khi quan hệ tình dục không an toàn là rất cao.

Các cặp đôi nên tìm hiểu và thực hiện việc quan hệ tình dục an toàn để đảm bảo không lây nhiễm bệnh cho bạn tình. Tính đến thời điểm hiện tại, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục vẫn được xem là biện pháp hiệu quả nhất, không chỉ dự phòng lây nhiễm HIV mà còn dự phòng được các bệnh STDs khác, bảo vệ an toàn cho người quan hệ.

Những trường hợp được coi là quan hệ tình dục không an toàn

Bất kỳ trường hợp quan hệ tình dục không an toàn nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhiều chị em thắc mắc quan hệ tình dục không an toàn là như thế nào? Các trường hợp được xem là quan hệ tình dục không an toàn gồm:

  • Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ: quan hệ tình dục qua đường sinh dục, có sự thâm nhập qua âm đạo hoặc đường hậu môn mà không sử dụng bao cao su sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sử dụng bao cao su không đúng cách hoặc sai thời điểm cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Quan hệ tình dục bằng miệng cũng có thể làm lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng nhưng rủi ro thấp hơn.
  • Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình: càng quan hệ tình dục với nhiều người càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là khi không rõ tiền sử tình dục, bệnh lý hoặc nhiễm trùng của đối phương. Thực tế có nhiều cặp đôi mắc bệnh từ người thứ ba.
  • Bị cưỡng hiếp: bị ép buộc quan hệ tình dục cũng làm tăng nguy cơ lây bệnh đường tình dục khi đối phương nhiễm bệnh. Trong tình huống này, chị em cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra, can thiệp phụ khoa cũng như liệu pháp tinh thần càng sớm càng tốt.
  • Lạm dụng chất kích thích: việc lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy… có thể khiến cặp đôi mất tự chủ, dễ đưa ra quyết định quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Những hệ lụy khi quan hệ tình dục không an toàn

Khi thực hiện hoạt động quan hệ tình dục không an toàn, đồng nghĩa các cặp đôi đang đặt mình vào các nguy cơ sau:

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào của hệ thống tiết niệu, bao gồm bàng quang, thận, niệu quản và niệu đạo. Sau khi phát sinh quan hệ tình dục không an toàn, cặp đôi cần loại bỏ những dịch tiết còn sót lại ở bộ phận sinh dục bằng cách đi tiểu và rửa sạch lại bằng dung dịch vệ sinh phù hợp. Việc làm này sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở một mức độ nào đó. Kế đến, cần sắp xếp đến ngay cơ sở y tế uy tín để được làm các xét nghiệm cần thiết.

Nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)

Một trong những nguy hiểm nhất của tình dục không an toàn là lây nhiễm bệnh qua đường tình dục (STDs). Hiện nay, y học thế giới đã phát hiện có hơn 20 căn bệnh STDs, thường gặp nhất là sùi mào gà, lậu, giang mai, chlamydia, HIV/AIDS… Trong đó, HIV/AIDS được xem là căn bệnh “thế kỷ” bởi đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để.

Khi phát hiện bản thân vừa thực hiện hành vi tình dục không an toàn với người có khả năng nhiễm HIV, chị em cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) để giảm nguy cơ nhiễm HIV. Nghiên cứu cho thấy, thuốc dự phòng sau phơi nhiễm này có hiệu quả tới 72 giờ sau khi tiếp xúc và cần được thực hiện trong 28 ngày.

Ngoài ra, bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như đau vùng xương chậu, viêm khớp, viêm vùng chậu, khô âm đạo, bệnh tim, các biến chứng khi mang thai và một số bệnh ung thư cổ tử cung hoặc trực tràng có liên quan đến virus HPV. Tốt nhất, các cặp đôi không nên quan hệ tình dục không an toàn để tránh nguy hiểm.

tinh-duc-khong-lanh-manh-1

Mang thai ngoài ý muốn

Quan hệ tình dục không an toàn có thể khiến phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Mang thai khi còn nhỏ, chưa sẵn sàng đón nhận thiên chức, không đủ điều kiện kinh tế nuôi dưỡng… khiến nhiều chị em buộc phải chấm dứt thai kỳ, làm tăng nguy cơ nạo phá thai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý, thể chất và sức khỏe của người phụ nữ.

Chưa kể đến nhiều trường hợp nạo phá thai tại những cơ sở y tế kém uy chất, không đảm bảo chất lượng, tay nghề bác sĩ thực hiện thủ thuật yếu kém… có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là đe dọa tính mạng phụ nữ.

Những việc cần làm sau khi quan hệ tình dục không an toàn

Nếu vừa quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp bảo vệ, chị em cần bình tĩnh và thực hiện những công việc sau. Đầu tiên, chị em cần làm sạch những chất dịch còn sót lại ở bộ phận sinh dục bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp. Tuyệt đối không thụt rửa sâu bên trong âm đạo bởi có thể gây tổn thương mô âm đạo, khiến tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập hơn.

Chị em cần theo dõi và phát hiện sớm những triệu chứng khác lạ của cơ thể. Thông thường, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) hoặc nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs) có thể có triệu chứng hoặc không. Các triệu chứng có thể xảy ra gồm:

  • Vết sưng hoặc vết loét ở bộ phận sinh dục, ở miệng hoặc ở trực tràng;
  • Đau rát khi tiểu tiện;
  • Âm đạo tiết dịch bất thường và có mùi hôi khó chịu;
  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Sưng hạch bạch huyết, sưng ở bẹn;
  • Đau bụng dưới;
  • Sốt cao;
  • Phát ban ở bàn tay hoặc bàn chân.
ngua-vung-kin-dau-rat-khi-tieu-1
Ngứa vùng kín, đau rát khi tiểu, đau khi quan hệ… là những triệu chứng báo hiệu bệnh lây truyền qua đường tình dục mà chị em cần khám ngay

Các triệu chứng này có thể xuất hiện sau vài ngày phát sinh quan hệ tình dục không an toàn, hoặc có thể xuất hiện khá lâu sau đó khi tình trạng trở nặng hơn. Vì thế, chị em cần chú ý lắng nghe dấu hiệu cơ thể hoặc thăm khám sớm để được bác sĩ hướng dẫn các xét nghiệm tầm soát, phát hiện sớm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Thời gian ủ bệnh của các tác nhân gây bệnh đường tình dục khác nhau, do đó chị em cần lưu ý khoảng thời gian cần thiết để đi xét nghiệm. Nếu xét nghiệm trước khoảng thời gian được khuyến cáo thì nguy cơ kết quả xét nghiệm âm tính giả, nghĩa là người đang mắc bệnh nhưng lại nhận được kết quả không mắc bệnh, làm bỏ sót bệnh dẫn đến điều trị muộn, tăng nguy cơ biến chứng và lây lan bệnh trong cộng đồng.

CDC Hoa Kỳ khuyến cáo thời điểm tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục như sau:

  • Giang mai: khoảng 1 tháng sau quan hệ tình dục, nên xét nghiệm lại sau 3 tháng nếu nhận được kết quả âm tính.
  • Viêm gan B: khoảng 3-6 tuần sau quan hệ.
  • Viêm gan C: khoảng 2 tháng sau quan hệ, nên xét nghiệm lại sau 6 tháng nếu nhận được kết quả âm tính.
  • HIV: khoảng 2 tuần sau quan hệ, nên xét nghiệm lại sau 3 tháng nếu nhận được kết quả âm tính.
  • HPV: khoảng 3 tuần đến vài tháng sau quan hệ.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp chị em hiểu được quan hệ tình dục không an toàn là sao để biết cách bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, chị em có thể  để lại bình luận để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!