tìm kiếm:

Trang chủ / / / Bài viết

Viêm âm đạo và những biện pháp phòng tránh

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on tumblr
Share on reddit
Share on pinterest

Viêm âm đạo thường là hậu quả của việc nhiễm trùng, gây khó chịu, ngứa, rát và có thể đau ở vùng âm đạo. Thế nên, các chị em thường rất quan tâm viêm âm đạo dùng thuốc gì cho nhanh khỏi.

Để chữa viêm âm đạo, các bác sĩ thường chỉ định thuốc điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Hãy theo dõi bài viết để tìm hiểu thêm về thuốc trị viêm âm đạo, cũng như các biện pháp phòng ngừa căn bệnh phụ khoa phổ biến ở phụ nữ.

4 loại viêm âm đạo phổ biến

Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân gây ra như:

  • Nhiễm trùng
  • Lượng estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh
  • Dị ứng với hóa chất gây kích thích như chất diệt tinh trùng, chất thụt rửa phụ khoa hoặc xà phòng tắm.

Dưới đây là các loại viêm âm đạo thường xảy ra, bao gồm:

  • Teo viêm âm đạo: Xảy khi lượng estrogen giảm đi trong thời kỳ mãn kinh, dẫn đến lớp nội mạc hay còn gọi là niêm mạc âm đạo sẽ mỏng hơn và dễ bị kích ứng hoặc viêm nhiễm.
  • Viêm âm đạo do vi khuẩn: Xảy ra khi vi khuẩn thường sống trong âm đạo bị thay đổi chủng loại. Trong trường hợp này, vi khuẩn Lactobacillus bình thường được thay thế bằng các vi khuẩn khác như Prevotella, Mobiluncus, G. vaginalis và Mycoplasma hominis.
  • Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis: Đây là một loại ký sinh trùng lây truyền qua đường tình dục và lây nhiễm sang các bộ phận khác của đường tiết niệu sinh dục. Trichomonas gây viêm âm đạo, cổ tử cung và niệu đạo ở phụ nữ
  • Viêm âm đạo do Candida albicans: Đây là một loại nấm men gây nhiễm trùng nấm, còn được gọi là nấm âm đạo. Theo một vài nghiên cứu, trong suốt cuộc đời, 75% phụ nữ sẽ có khả năng bị nhiễm nấm âm đạo một lần và 45% sẽ bị nhiễm nấm hai lần trở lên. Nguyên do là bởi nhiễm trùng nấm âm đạo đến từ những nguyên nhân gần gũi trong cuộc sống hằng ngày như stress, dùng thuốc kháng sinh thường xuyên hay thụt rửa bộ phận sinh dục thường xuyên.

Viêm âm đạo dùng thuốc gì?

Việc được điều trị đúng cách có thể chữa khỏi tới 90% trường hợp nhiễm trùng âm đạo trong vòng hai tuần hoặc ít hơn (thường trong vài ngày), tùy thuộc vào loại viêm âm đạo. Phương pháp điều trị viêm âm đạo sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nhìn chung, các chỉ định sẽ bao gồm các biện pháp như sau:

  • Kem thoa ngoài da để giúp làm dịu ngứa hoặc bỏng rát
  • Đặt thuốc kháng sinh tại chỗ viêm (thuốc đặt âm đạo)
  • Sử dụng thuốc kháng sinh đường uống hoặc thuốc chống nấm.

Sau đây là một số thuốc viêm âm đạo thường được chỉ định dựa trên nguyên nhân và loại vi sinh vật gây viêm.

Viêm âm đạo do vi khuẩn

  • Thuốc kháng sinh đường uống: Metronidazole (Flagyl)
  • Thuốc thoa vào đường âm đạo: Metronidazole (MetroGel) dạng gel hoặc Clindamycin (Cleocin) dạng kem

Viêm âm đạo do nhiễm trùng nấm men

  • Kem thoa chống nấm không kê đơn như: Miconazole (Monistat 1), Clotrimazole, Butoconazole hoặc Tioconazole (Vagistat-1)
  • Thuốc kháng nấm dạng kê toa: Fluconazole (Diflucan)
  • Bên cạnh đó, hãy chườm lạnh lên vùng môi âm hộ để giảm bớt sự khó chịu cho đến khi thuốc chống nấm phát huy hết tác dụng.

Viêm âm đạo do nhiễm trùng Trichomonas

  • Thuốc kháng sinh dạng viên uống: Metronidazole (Flagyl) hoặc Tinidazole (Tindamax).
  • Để phòng ngừa tái nhiễm, người bị nhiễm và tất cả những ai có quan hệ tình dục với người bị nhiễm đều phải được điều trị nhiễm nấm Trichomonas.
  • Lưu ý phụ nữ có thai không nên dùng Metronidazole trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Teo viêm âm đạo

Nếu nguyên nhân do tình trạng Estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng bổ sung Estrogen ở các dạng như dạng kem thoa, dạng uống hoặc đặt vòng âm đạo.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm âm đạo

Viêm âm đạo do Trichomonas là một bệnh lây qua đường tình dục (bệnh STDs) có thể lây truyền trong hoạt động tình dục, một số biện pháp sau có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng:

  • Không quan hệ tình dục
  • Quan hệ tình dục lành mạnh và kiểm tra sức khỏe tình dục trước khi thay đổi đối tác quan hệ
  • Sử dụng bao cao su trong khi quan hệ tình dục

Ngoài ra, một số biện pháp sau có thể giúp ngăn ngừa viêm âm đạo do các nguyên nhân khác, bao gồm:

  • Luôn giữ cho bộ phận sinh dục sạch sẽ và khô ráo
  • Tránh sử dụng sản phẩm kích ứng như sữa tắm, thuốc xịt hay thụt rửa âm đạo
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ thay vì sữa tắm khi vệ sinh vùng kín
  • Thay đổi thường xuyên và vệ sinh sạch sẽ khi sử dụng băng vệ sinh, tampon hay cốc nguyệt san trong thời kỳ kinh nguyệt
  • Sử dụng đồ lót bằng vải cotton rộng rãi và giữ khô ráo, không bị ẩm
  • Mặc quần thoải mái, tránh quá bó sát
  • Sau khi bơi lội, hãy nhanh chóng thay quần áo khô, thay vì mặc đồ ướt trong thời gian dài
  • Chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết và có sự đồng ý của bác sĩ
  • Sữa chua là một loại probiotic tự nhiên, có rất nhiều vi khuẩn lành mạnh nên ăn sữa chua giúp thiết lập môi trường âm đạo cân bằng và có thể giúp chống lại các vi khuẩn xấu.

Hầu hết các trường hợp viêm âm đạo đều nhẹ và hiếm khi nguy hiểm nên không cần quá lo lắng nếu được chẩn đoán viêm âm đạo. Hãy luôn tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ để hồi phục nhanh hơn và giảm bớt các tình trạng viêm liên quan khác.