tìm kiếm:

Trang chủ / / Bài viết

Tiểu đường thai kỳ và những biến chứng nguy hiểm mẹ bầu phải đối mặt

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on tumblr
Share on reddit
Share on pinterest

Hiện nay, tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ đang có chiều hướng tăng lên. Vì vậy xét nghiệm dung nạp đường huyết là một xét nghiệm quan trọng mà bất kì bà bầu nào cũng cần thiết phải thực hiện trong quá trình mang thai. Vậy quy trình khám tiểu đường thai kỳ sẽ như thế nào? Cần lưu ý những gì khi làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau.

1. Bệnh lý tiểu đường thai kỳ và những biến chứng nguy hiểm khi mắc tiểu đường thai kỳ ở bà bầu

1.1 Những đối tượng nào dễ mắc tiểu đường thai kỳ?

Tiểu đường thai kỳ là hiện tượng khả năng dung nạp đường huyết bị rối loạn khiến cho lượng đường trong máu tăng cao quá mức quy định trong thời gian mang thai. Bệnh lý này có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng đa phần các bà bầu thường mắc trong giai đoạn từ tuần 18 đến tuần 36 của thai kỳ. Tiểu đường thai kỳ là căn nguyên dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi cũng như sau khi sinh, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu như được phát hiện sớm và có phác đồ điều chỉnh phù hợp.

quy-trinh-kham-tieu-duong-thai-ky-1
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý phổ biến ở các bà bầu hiện nay

Tiểu đường thai kỳ không loại trừ bất kỳ phụ nữ nào, nhưng các đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn người bình thường:

– Bà bầu có chỉ số BMI vượt ngưỡng 30

– Mẹ đã từng sinh em bé nặng từ 4kg trở lên

– Có tiền sử tiểu đường thai kỳ ở những lần mang thai trước đó

– Người thân trong gia đình: cha mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường

1.2 Bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ phải đối mặt với những biến chứng gì?

Mẹ bầu nếu mắc tiểu đường thai kỳ và không có chế độ dinh dưỡng kiểm soát tốt thì cả mẹ và em bé sẽ đứng trước các nguy cơ như:

– Tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát tốt sẽ khiến lượng đường huyết của thai nhi tăng cao, khiến cho cân nặng của trẻ vượt mức trung bình. Điều này sẽ khiến cho mẹ gặp cảm giác nặng nề hơn ở giai đoạn cuối thai kỳ, việc sinh thường cũng gặp nhiều bất lợi, mẹ có thể sẽ bị chỉ định sinh mổ nếu trọng lượng em bé quá to.

– Khi bị tiểu đường thai kỳ, hàm lượng polyhydramnios sẽ tăng, đồng nghĩa lượng nước ối cũng tăng cao, dẫn đến sự chuyển dạ sớm hoặc gặp các vấn đề khi sinh.

– Nguy cơ sinh non sẽ tăng cao ở mẹ mắc tiểu đường thai kỳ

– Biến chứng tiền sản giật – một biến chứng vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và tính mạng thai nhi

– Em bé sơ sinh dễ gặp các vấn đề như hạ đường huyết, vàng da

– Nguy cơ thai nhi bị lưu (rất hiếm trường hợp xảy ra)

– Trong tương lai mẹ sẽ có nguy cơ nhiễm tiểu đường type 2

2. Tại sao cần xét nghiệm dung nạp đường huyết? Nên thực hiện xét nghiệm vào thời điểm nào?

2.1 Tại sao cần xét nghiệm dung nạp đường huyết?

tieu-duong-thai-ky1

 

Các chuyên gia sản khoa cho rằng, bệnh lý tiểu đường thai kỳ ở các mẹ bầu ngày càng gia tăng đang trở thành vấn đề đáng quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các bà bầu và thai nhi. Trong khi đó, nhiều mẹ bầu vẫn chưa thực sự nhận thức được tiểu đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tiểu đường thai kỳ có thể dẫ đến nguy cơ sảy thai, thai lưu, dị tật thai nhi, vàng da, tiền sản giật,…Ngoài ra, tiểu đường thai kỳ còn khiến trẻ sinh ra bị béo phì, rối loạn chuyển hóa hoặc suy hô hấp trong giai đoạn đầu đời.

Vì thế, mẹ bầu nhất thiết phải thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết để sớm phát hiện bệnh tiểu đường thai kỳ (nếu có) và có phương án điều chỉnh phù hợp.

2.2 Nên thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết vào thời điểm nào?

Trước khi tìm hiểu quy trình khám tiểu đường thai kỳ, mẹ bầy nên biết thời điểm tốt nhất để thực hiện xét nghiệm này. Theo khuyến cáo, từ 24 – 28 tuần là thời điểm các mẹ nên thực hiện làm dung nạp đường huyết, bởi ở giai đoạn này, nhau thai đã có sự hoàn thiện nhất định, lượng glucagon được tăng cường sản xuất, lượng insulin giảm, đồng thời khả năng dung nạp Glucose ở mô ngoại vi cũng giảm. Tất cả những yếu tố này sẽ khiến cho lượng đường trong máu ở bà bầu gia tăng.

Tuy nhiên, ngay ở lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ qua xét nghiệm Glucose máu lúc đói. Vì thế, ban đầu có thể dựa trên kết quả đánh giá này để xác định mốc nên làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:

– Nếu lượng đường huyết khi đói <92mg/dL thì thai phụ không có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, vì thế mẹ nên làm xét nghiệm dung nạp đường huyết ở tuần 24 – 28.

– Nếu lượng đường huyết khi đói > 92mg/dL, phụ nữ mang thai sẽ được chẩn đoán bị tiểu đường thai kỳ. Nếu kết quả chỉ số lượng đường trong máu lúc đói >7.0mmol/L thì mẹ sẽ được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ trên lâm sàng.

3. Chi tiết quy trình khám tiểu đường thai kỳ

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hiện nay có thể được thực hiện theo 2 hình thức khác nhau, vì thế quy trình xét nghiệm ở mỗi hình thức cũng không giống nhau.

3.1 Quy trình khám tiểu đường thai kỳ 1 bước

Ở hình thức này, thời điểm làm dung nạp đường huyết cho kết quả chính xác nhất là vào buổi sáng khi thai phụ đã nhịn đói ít nhất 8 giờ đồng hồ. Mẹ bầu sẽ được làm dung nạp glucose bằng cách uống 75g Glucose, sau đó mẹ sẽ được lấy máu để đo nồng độ đường huyết trong máu ở các mốc: 1 giờ sau uống và 2 giờ sau uống đường.

Mẹ sẽ được chẩn đoán là bị tiểu đường thai kỳ nếu 1 trong 3 chỉ số dưới đây có kết quả bất thường:

– Chỉ số đường trong máu khi đói vượt ngưỡng 5.1 mmol/L

– Ở mốc 1 giờ sau uống: Chỉ số đường huyết vượt ngưỡng 10 mmol/L

– Ở mốc 2 giờ sau uống: Chỉ số đường huyết vượt ngưỡng 8.5 mmol/L

Nếu mẹ bầu có kết quả cả 3 chỉ số đều nhỏ hơn các mốc trên thì mẹ không mắc tiểu đường thai kỳ

3.2 Quy trình khám tiểu đường thai kỳ 2 bước

Ở hình thức xét nghiệm này, thai phụ không cần nhịn đói mẹ sẽ thực hiện theo 2 bước sau:

– Bước 1: Uống 50g Glucose, sau đó tiến hành lấy máu đo đường huyết. Nếu chỉ số đường huyết vượt trên 7.2 mmol/L thì mẹ sẽ cần tiếp tục uống thêm 100g Glucose để thực hiện tiếp xét nghiệm bước 2.

– Bước 2: Mẹ uống 100g Glucose pha cùng 250 – 300ml nước khi đói, sau đó đo chỉ số đường huyết các mốc 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ sau khi uống Glucose. Sau mỗi 1 giờ đồng hồ, bác sĩ sẽ chích máu ở đầu ngón tay của mẹ bầu để kiểm tra chỉ số đường huyết và xác định sự chuyển hóa đường ở cơ thể.

Nếu kết quả chỉ số đường huyết sau 3 giờ như dưới đây thì mẹ sẽ được kết luận đã mắc tiểu đường thai kỳ:

– Kết quả chỉ số đường huyết khi đói vượt trên 5.3 mmol/L

– Kết quả chỉ số đường huyết sau 1 giờ trên 10 mmol/L

– Kết quả chỉ số đường huyết sau 2 giờ trên 8.6 mmol/L

4. Khắc phục tiểu đường thai kỳ bằng cách nào?

Sau khi có kết luận mẹ bị mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ cần có biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt để đảm bảo bản thân và thai nhi trong bụng khỏe mạnh trong suốt hành trình mang thai, vượt cạn.

Mẹ có thể điều chỉnh lượng đường huyết bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và vận động nhẹ nhàng. Mẹ nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột, nên thay bằng thực đơn nhiều rau xanh và thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với trọng lượng và tình trạng sức khỏe của mẹ. Nếu đã làm các điều trên mà lượng đường vẫn không giảm, mẹ nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ để dùng thuốc điều chỉnh lượng đường huyết.

Bên cạnh đó, mẹ cần kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên 4 lần/ngày và nên khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh.